: TVO 24H: 2024-11-06 07:25:48
Lượt xem: 2142
Chủ trương chuyển Hội sở ra Hà Nội, ban lãnh đạo Eximbank tính 'qua cầu rút ván'?
Khi lên kế hoạch dời Hội sở từ TP.HCM ra Hà Nội, ban lãnh đạo Eximbank không có bất cứ động thái đánh giá hay khảo sát về các tác động đến quyền lợi người lao động- những người trực tiếp gắn bó, cống hiến tạo nên thành công của Ngân hàng.
Những ngày gần đây, thông tin về việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có kế hoạch chuyển Hội sở ra Hà Nội đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội và cả không gian truyền thông, báo chí chính thống.
Nhiều người cho rằng việc di dời trụ sở chính đến đâu để hoạt động được thuận tiện là việc bình thường của một doanh nghiệp nói chung hay một ngân hàng nói riêng, đặc biệt khi đa phần các nhân sự cấp cao (như Quyền TGĐ Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Cảnh Anh) và cổ đông lớn của Eximbank (như Gelex, VIX) hiện nay đều ở phía bắc; do đó việc “chủ ở đâu, trụ sở ở đó” là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nhận định hời hợt, phiến diện, không dựa trên hàm lượng tri thức và hiểu biết về lịch sử hoạt động cũng như những di sản đã giúp Eximbank gây dựng cơ nghiệp hơn 30 năm qua tại TP. HCM.
Nhắc đến di sản, thiết nghĩ di sản quan trọng nhất của Eximbank hiện nay là “di sản con người’, được hiểu là chính những người lao động, nhân viên, cán bộ, phía dưới ban lãnh đạo. Họ mới là những người đã gắn bó, đồng hành, cống hiến trí tuệ và sức lực cho Ngân hàng trong thời gian dài để làm nên thành công ngày hôm nay.
Theo thông tin chúng tôi được biết, số lượng nhân viên làm việc tại Hội sở Eximbank hiện nay là khoảng 2.000 người, trong đó có rất nhiều người đã làm việc lâu năm cho Ngân hàng và tuyệt đại đa số họ đang sinh sống ổn định tại TP.HCM và khu vực lân cận. Do đó, việc chuyển Hội sở ra Hà Nội sẽ có nguy cơ khiến họ phải nghỉ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, gia đình và vợ con.
Quyết tâm tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng của các nhân viên này trước kế hoạch dời Hội sở, chúng tôi tìm đến văn phòng Hội sở của Eximbank (hiện đóng tại tòa nhà Fidecos, số 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1 TP.HCM) vào một buổi chiều. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn vài nhân viên đang làm việc tại đây để phục vụ một phóng sự nhỏ, bạn cán bộ phụ trách truyền thông Ngân hàng khéo léo từ chối, lấy lý do chưa được phép của ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi may mắn gặp gỡ được một cán bộ cấp phó phòng, đã làm việc hơn 10 năm tại Hội sở Eximbank. Vị này cho biết hầu hết các nhân viên làm việc tại Hội sở đều không đồng ý với chủ trương di dời ra Hà Nội do không muốn xa gia đình, vợ con nhưng lại không dám bày tỏ chính kiến vì tâm lý sợ bị "trù dập".
“Nhìn bề ngoài có vẻ mọi việc đều ổn, nhưng tâm lý hoang mang đang bao trùm Hội sở. Các nhân viên đều cảm thấy bất an. Họ chỉ làm việc cầm chừng, được ngày nào hay ngày ấy và chờ đợi đến ngày mình có thể có tên trong danh sách phải chuyển ra Hà Nội. Lúc đó họ sẽ chính thức mất việc”, vị cán bộ này nhấn mạnh.
"Chúng tôi không thể đánh đổi gia đình, vợ con vì công việc. Nếu có tên trong danh sách, tôi sẽ phải nghỉ việc và bắt đầu hành trình kiếm việc mới. Tôi có 03 con nhỏ. Vợ tôi ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái. Tôi rất lo lắng về tương lai", một nhân viên giấu tên làm việc ở Hội sở nói.
Theo vị phó phòng, cũng có một số nhân viên trẻ, chưa có gia đình muốn ra thủ đô làm việc và trải nghiệm. Nhưng đó chỉ là số ít và bản thân những người này cũng không có ý định sinh sống lâu dài tại Hà Nội. Một số người khác thì đã rục rịch làm hồ sơ đi xin việc. Tuy nhiên, việc “nhảy việc” đối với các nhân viên ngân hàng lớn tuổi cũng không hề dễ dàng, đặc biệt đối với các nhân viên giữ vị trí như trưởng, phó phòng. Bởi hầu hết các ngân hàng cổ phẩn hiện nay tuyển lãnh đạo cấp phòng đều có yêu cầu về độ tuổi là dưới 35. Bên cạnh đó, công việc tín dụng ngân hàng cũng khá đặc thù so với các công ty kinh doanh bình thường bên ngoài, nên tìm được việc làm mới sẽ rất khó khăn.
“Tại sao ban lãnh đạo Eximbank biết rằng việc chuyển trụ sở sẽ khiến nhiều nhân viên có kinh nghiệm nghỉ việc ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng cũng như điều kiện kinh tế và đời sống của chính bản thân những người này nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Mục đích của Ban lãnh đạo Eximbank hiện nay là gì?phải chăng chỉ phục vụ chính lợi ích riêng của họ mà bất chấp lợi ích chung của cổ đông, nhân viên và khách hàng mà vì chính lợi ích của họ”, vị cán bộ này tâm sự.
Thanh lý nhân sự, qua cầu rút ván
Chúng tôi đặt câu hỏi này với một chuyên gia uyên bác trong lĩnh vực ngân hàng và được vị này giải thích khá cặn kẽ. Theo ông, trước đây đã từng có trường hợp một ngân hàng đang làm việc ổn định thì đột ngột chuyển Hội sở ra vị trí mới cách vị trí cũ hàng trăm km. Điểm chung của Ngân hàng này với Eximbank đều có ban lãnh đạo mới và các cổ đông lớn mới, vốn là những người không đồng hành và gắn bó với ngân hàng từ những ngày đầu khởi nghiệp, trước khi lên kế hoạch di dời.
Theo đó, dù biết động thái chuyển Hội sở sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng và nhân viên, ban lãnh đạo ngân hàng này vẫn quyết tâm thực hiện nhằm mục đích “thanh lý nhân sự”, tức là thẳng tay loại bỏ những nhân sự cũ (dù họ đã có nhiều đóng góp cho ngân hàng) và thay thế bằng những nhân sự mới thuộc phe nhóm của mình. Những nhân sự mới này chắc chắn sẽ trẻ hơn và đặc biệt là dễ bảo hơn.
“Những người làm trong lĩnh vực tín dụng cho vay mà trên 35 tuổi thì máu liều gần như đã hết, họ sẽ không dám ký duyệt những hồ sơ cho vay ẩu hoặc không đủ điều kiện theo ý muốn của lãnh đạo. Những người trẻ thì máu liều cao hơn, dễ bảo hơn, dễ làm ẩu hơn và đó là những gì mà lãnh đạo ngân hàng nói trên cần đến nhằm dễ bề thao túng hoạt động, bẻ lái dòng vốn và cuối cùng là rút ruột tiền gửi của khách hàng”, chuyên gia này giải thích.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc di dời Hội sở bất chấp quyền lợi và cuộc sống của những nhân viên gắn bó lâu năm, góp phần tạo dựng nên thành công của ngân hàng là hành động phi nhân văn, thậm chí có thể nói là vô ơn, "qua cầu rút ván".
Những điều bất thường trong chủ trương chuyển Hội sở của Eximbank
Theo một lãnh đạo Ban Kiểm sát của Eximbank, việc ban lãnh đạo ngân hàng này chọn Hà Nội là địa điểm để tổ chức Đại hội Cổ đông vào ngày 28/11 tới (nhằm bàn thảo việc chuyển Hội sở) cũng là động thái bất thường bởi hầu hết các Đại hội Cổ đông trước đây đều được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
“Đây là động thái bất thường có chủ đích, khả năng cao nhằm hạn chế tiếng nói của các cổ đông nhỏ đang sinh sống tại TP.HCM và khu vực phía nam. Những cổ đông sở hữu dưới 10.000 cổ phiếu khả năng cao là họ sẽ không mua vé bay ra Hà Nội để dự đại hội. Điều này sẽ mang lại lợi thế lớn cho những người muốn di dời Hội sở lúc bỏ phiếu”, vị lãnh đạo Ban Kiểm sát nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, việc ban lãnh đạo Eximbank không có bất cứ công tác đánh giá tác động nào trước khi đưa ra một chủ trương có ảnh hưởng lớn như chuyển Hội sở ra Hà Nội là điều cũng cực kỳ bất thường, thể hiện ý chí chủ quan và thái độ "bất chấp" quá lớn.
“Hầu như là không có cuộc khảo sát xem nhân viên cảm thấy như thế nào?, cổ đông thấy như thế nào? Không có động thái nào cho thấy ban lãnh đạo tiến hành khảo sát, đánh giá tác động hết, đặc biệt là xin ý kiến của cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều bất thường bởi ban lãnh đạo Ngân hàng hiện nay đều là những người có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp lớn. Phải chăng họ đã lường trước được kết quả khảo sát và đánh giá tác động nên quyết định bỏ qua khâu này”, vị lãnh đạo Ban Kiểm sát khẳng định.
Ngoài ra, việc chuyển Hội sở sẽ dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám của ngân hàng. Những nhân viên có kinh nghiệm làm việc tại Hội sở có thể được ví như một lợi thế, một quyền lực mềm của Eximbank trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Họ đều là những người rất am hiểu và thành thạo trong lĩnh vực cho vay, xuất nhập khẩu… Việc họ nghỉ việc tạo ra rủi ro thiếu hụt nhân sự rất lớn cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
Câu hỏi bỏ ngỏ về tương lai
Bên cạnh vấn đề về con người, nhân sự, chủ trương thay đổi Hội sở của Eximbank cũng làm dấy lên nhiều nghi vấn về hướng đi và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng này trong lương lai. Hiện TP HCM đang nỗ lực trở thành trung tâm tài chính quốc tế với những chính sách đột phá như Nghị quyết 98. Một trong những ưu tiên hành động của thành phố này là phát triển mạnh mẽ dịch vụ tài chính, ngân hàng. Ngoài ra, TP. HCM và dẫn đầu cả nước về những lĩnh vực quan trọng như Fintech, Blokchain và các công nghệ tài chính hiện đại.
Ông Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ, người được Thủ tướng mời tham gia tổ nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM, nếu nhìn vào những trung tâm tài chính quốc tế đã được xây dựng, có thể thấy rõ lợi ích mà chúng đem đến cho lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Nó còn phục vụ cho việc cung cấp tín dụng và vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gia đình, phù hợp với nhu cầu cụ thể của nền kinh tế.
Do đó, chuyển Hội sở ra khỏi khu vực trung tâm tài chính như TP. HCM chắc chắn không phải là định hướng mà những thế hệ lãnh đạo trước của Ngân hàng đưa ra và nhiều khả năng sẽ là bước đi sai lầm khiến tương lai của Eximbank sẽ rơi vào tình trạng bất định, mơ hồ trong thời gian tới.