: TVO 24H: 2025-05-14 08:57:50
Lượt xem: 218
Đang diễn ra Hội thảo ‘Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế’
Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
Sáng nay (14-5), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” tại Tân Sơn Nhất Pavillon (TP.HCM) với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, thẩm định giá bất động sản, dự án bất động sản; chuyên gia độc lập,…
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN
Chủ trì Hội thảo là GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM.
Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật THADS (sửa đổi). Theo dự thảo tờ trình của bộ, qua hơn 16 năm thi hành, Luật THADS năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Dù vậy, công tác THADS trên thực tiễn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp đến giai đoạn thi hành án thì xuất hiện các vấn đề pháp lý phát sinh, cần phải xác minh, làm rõ…; dẫn đến nhiều vụ án lớn, dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM (bên trái) trao đổi cùng ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM tại Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước đảm bảo tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đảm bảo nguyên tắc "ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước".
Theo đó, "trường hợp áp dụng thực tiễn pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo".
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM tham dự Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Có thể thấy, theo tinh thần của Nghị quyết 68 thì trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là vô cùng quan trọng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM bày tỏ:
Chúng ta nhận thức rằng tinh thần của Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, đảm bảo sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn vậy, tinh thần đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật liên quan; trong đó có Dự luật sửa đổi Luật THADS mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.
Chính vì lẽ đó, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức Hội thảo hôm nay với mong muốn các quý vị chuyên gia cùng nhau phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đối chiếu với các quy định pháp luật và quan trọng hơn hết, đề xuất những giải pháp, những kiến nghị để hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc xử lý tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Với vai trò là cơ quan báo chí chính thống, tiếng nói của UBND TP.HCM, Báo Pháp luật TP.HCM mong muốn không chỉ là cầu nối thông tin giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, mà còn là một kênh đóng góp ý kiến thiết thực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, những ý kiến đóng góp tại hội thảo hôm nay sẽ không chỉ góp phần sửa đổi Luật THADS mà còn lan tỏa đến các luật liên quan khác, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy kinh tế và thu hút đầu tư.
Ban Tổ chức rất mong nhận được những thảo luận, góp ý quý báu từ tất cả quý vị.
Những vấn đề thảo luận chính tại hội thảo
Hội thảo sẽ tập trung trình bày và thảo luận sâu một số vấn đề chính:
1. Mua tài sản thi hành án: Những lưu ý để tránh các rủi ro và cơ chế bảo vệ người mua trúng đấu giá, nhất là bất động sản trong các vụ án kinh tế.
2. Thực tiễn, những bất cập trong định giá bất động sản là tài sản thi hành án liên quan đến phương pháp định giá và thời điểm định giá tài sản trong các vụ án kinh tế.
3. Các vướng mắc thường gặp liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án là bất động sản trong các vụ án kinh tế nhìn từ thực tiễn.
Nguồn: PLO