: TVO 24H: 2024-08-23 15:53:44
Lượt xem: 2132
Giăng bẫy bán 'xe máy lướt giá rẻ', lừa tiền hơn 1.000 người
Thu tiền hơn 1.000 người qua chiêu lừa bán xe máy nhập từ nước ngoài với giá rẻ, Nguyễn Tiến Thành cùng hai đồng phạm định thay đổi nơi ở để xóa dấu vết thì bị bắt.
Năm 2023, Thành, Nguyễn Mạnh Thư và Lê Tuấn Anh lập nhiều nhóm mua bán xe trên mạng xã hội; đăng ảnh xe máy Lead, Air Blade, Piaggio Liberty, Yamaha Grande... giới thiệu "đây là lô xe lướt từ nước ngoài, không có tờ khai hải quan nên giá rẻ một nửa so với thị trường".
Theo mô tả, do "thiếu giấy tờ" nên giá giảm rất sâu, mỗi chiếc chỉ 20-30 triệu đồng, "cần chốt ngay để giữ hàng, vì rất hiếm". Với mỗi bài đăng, chúng chạy quảng cáo nhằm tăng mức độ phổ biến để thu hút nhiều "con mồi".
Nghi can Thành, 23 tuổi, trú Hà Nội, tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp
Thành là người điều phối chung, Thư, 23 tuổi, trú Hà Nội và Tuấn Anh, 33 tuổi, trú Hải Phòng, phụ trách lập tài khoản ảo, trả lời tin nhắn và bình luận, tư vấn nên chọn mẫu mã xe phù hợp. Khi có khách hỏi mua, bộ ba thay nhau đóng giả là đại diện nhà phân phối, nhân viên kho hàng, lái xe, người của hãng chuyển phát nhanh... liên tục gọi điện cập nhật tiến độ để yêu cầu chuyển tiền thanh toán.
Nhóm làm giả các tờ khai hải quan, phiếu xuất kho, đơn gửi hàng... rồi gửi khách nhằm chứng minh việc mua bán, vận chuyển là có thật. Chẳng hạn, xe máy rao bán với giá 20 triệu đồng, ban đầu chúng bịa ra lý do hàng đã rời khỏi kho để yêu cầu khách gửi tiền cọc 20%. Tiếp đó tùy vào quãng đường di chuyển, nhóm này gọi điện nói "hàng đã gửi được nửa đường, gần tới điểm giao nhận...", yêu cầu khách chuyển tiếp 20-30% để chốt giao dịch.
Nạn nhân sau khi chuyển gần hết tiền, nhưng chờ thời gian dài không thấy nhân viên chuyển phát nhanh giao xe nên nghi ngờ, hỏi về nguồn gốc xe và tiến độ. Lúc này, Thành, Thư và Tuấn Anh hủy sim rác, cắt liên lạc với họ.
Phiếu xuất kho mà nhóm của Thành làm giả để gửi cho khách. Ảnh: Công an cung cấp
Xong mỗi vụ cả nhóm sẽ chia tiền, ai chịu trách nhiệm khâu nối ban đầu thì lĩnh 40-50%, số còn lại thuộc về hai thành viên còn lại. Mỗi khi giao dịch rút tiền, chúng thường đeo khẩu trang đi đến nhiều cây ATM khác nhau để tránh bị nhà chức trách nghi ngờ. Cả nhóm góp chung kinh phí để chi trả thuê nhà, chạy quảng cáo, mua thiết bị phục vụ lừa đảo như điện thoại, sim rác, giấy in ấn...
Thành cùng đồng phạm luôn thuê căn hộ chung cư tại khu đô thị lớn để làm "đại bản doanh", thường đặt đồ ăn để hạn chế ra ngoài. Để tránh bị phát hiện, nhóm cứ 2-3 tháng sẽ đổi nơi ở. Trong thời gian vận hành đường dây, 3 người đã chuyển đến nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định...
Tháng 9/2023, quá trình rà soát tội phạm trên không gian mạng, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện ra manh mối nhỏ của đường dây. Thời gian sau, cảnh sát liên tiếp nhận trình báo của một số người dân trên địa bàn về việc bị một nhóm thanh niên "diễn kịch" lừa bán xe không giấy tờ giá rẻ, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.
Thiếu tá Nguyễn Công Hiếu, Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hàng chục cán bộ, trinh sát kỹ thuật đã rà soát suốt 6 tháng để tìm phương thức, thủ đoạn và danh tính của những người cầm đầu.
Trinh sát khống chế Thành và Thư (thứ 2 và 4, từ phải qua) tại căn hộ của tòa chung cư cao cấp. Ảnh: Công an cung cấp
Thủ đoạn lừa đảo này không mới song Thành, Thư và Tuấn Anh rất tinh vi khi làm giả các giấy tờ để nạn nhân tin tưởng rằng giao dịch đang thực hiện là thật. Tội phạm đã đánh vào tâm lý tham mua "hàng chất lượng nhưng giá rẻ" của nhiều người dân. Địa chỉ trên các "hóa đơn mua hàng, phiếu xuất kho..." là giả. Khi bị nghi ngờ, chúng chỉ cần chặn Facebook, Zalo là xóa sạch dấu vết.
Ông Hiếu kể, nhiều lần định lên kế hoạch đột kích thì lại mất dấu, do các nghi phạm thay đổi chỗ ở. Trong thời gian điều tra, công an các tỉnh, thành phố trong nước cũng phá nhiều vụ lừa đảo tương tự, nhóm của Thành thấy bị "động" nên "nằm im", dừng mọi giao dịch, xóa chứng cứ, sau vài tháng mới hoạt động trở lại. Vì thế trinh sát phải xác minh lại từ đầu, tìm bằng chứng mới.
"Việc điều tra phải hết sức thận trọng vì nếu bị lộ, chúng tiêu hủy hết chứng cứ thì công sức bấy lâu nay đổ bể", ông nói.
Cuối tháng 7, hồ sơ về đường dây được dựng đầy đủ. Qua nắm quy luật, trinh sát nhận thấy nhóm Thành sắp thay đổi chỗ ở, cũng là căn hộ cao cấp khác ở Hà Nội, nên phối hợp với Công an huyện Hương Khê lên kế hoạch phá án, tránh mất dấu như những đợt trước.
20 cán bộ được huy động, đột kích căn hộ ở tầng thứ 13 của tòa chung cư tại quận Hoàng Mai, khống chế Thành và Thư. Riêng Tuấn Anh đang về Hải Phòng song cũng bị một tổ công tác khác bắt giữ.
Cơ quan điều tra xác định, trong hơn một năm, hơn 1.000 người ở hàng chục tỉnh, thành phố đã "sập bẫy" của nhóm Thành, bị lừa hơn 10 tỷ đồng. Nạn nhân đa phần đang trẻ tuổi, nhiều trường hợp giấu gia đình, khi cảnh sát đến tiếp cận thì xấu hổ không hợp tác, vì thế quá trình điều tra cũng bị "tắc" ở nhiều chặng.
Ba nghi can khai không có nghề nghiệp ổn định, quen nhau qua mạng xã hội nhiều năm nay. Nhận thấy nhiều người dân, đặc biệt là giới rẻ có nhu cầu dùng xe máy mẫu mã đẹp nhưng giá rẻ nên lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hôm 13/8, Thành cùng hai đồng phạm đã bị khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.
Nguồn: Vnexpress