: TVO 24H: 2024-10-03 06:54:44

Lượt xem: 2317

Thảm họa Làng Nủ diễn ra thế nào dưới phân tích của khoa học?

Các chuyên gia địa chất vừa dựng lại diễn biến thảm họa Làng Nủ, cho thấy 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước từ đỉnh núi đã ập xuống với tốc độ 20m/s, không thể kịp để 37 hộ dân trốn chạy.

Ngày 2-10, các nhà khoa học địa chất đã ngồi lại với nhau trong hội thảo đầu tiên do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, để phân tích, mổ xẻ về mặt khoa học thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh.

Trung tâm của hội thảo là kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về trận lũ quét - lũ ống xảy ra sáng sớm 10-9 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Kết quả dựng mô hình 3D kết hợp dữ liệu ảnh vệ tinh

PGS TS Nguyễn Châu Lân, Đại học Giao thông Vận tải và các cộng sự đã trực tiếp đến hiện trường thảm họa, kiểm tra thực địa, tìm hiểu thông tin vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng này.

Các dữ liệu thu được cho thấy trước giờ xảy ra thảm họa, khu vực có mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Chỉ tính riêng 3 ngày trước, trong và liền sau bão số 3, được quốc tế gọi là siêu bão Yagi, tổng lượng mưa tích lũy đã lên tới 633mm, với cường độ tính theo giờ là 57mm.

Hiện trường thảm họa Làng Nủ, hàng triệu m3 đất, đá, nước đã tràn từ đỉnh núi xuống cuốn phăng 37 nóc nhà dân. Đến nay sau một tháng, cuộc tìm kiếm những người mất tích vẫn đang tiến hành.

Hiện trường thảm họa Làng Nủ, hàng triệu m3 đất, đá, nước đã tràn từ đỉnh núi xuống cuốn phăng 37 nóc nhà dân. Đến nay sau một tháng, cuộc tìm kiếm những người mất tích vẫn đang tiến hành.

Mô phỏng, tính toán cho thấy lượng nước tích lũy đã gây sạt trượt một mảng sườn núi con voi phía trên, ở vị trí cách cụm dân cư ở dưới khoảng 3,6km. Đây là những tấm đá phiến phong hóa mạnh, cường độ không cao và tầng phong hóa dày gây trượt lở khối lớn.

Quá trình di chuyển, khối đất đa lỏng này đi vào một đoạn co hẹp, chiều rộng khoảng 100m, vị trí cách Làng Nủ khoảng 2km. Tất cả dồn lại thành một đập tạm thời, khi tích lũy đủ áp lực thì vỡ bung.

Thảm họa Làng Nủ có phần do vận tốc dòng lũ bùn đất khi vỡ bung lên tới 20m/s, rất nhanh và mạnh. Khi tới khu vực bằng phẳng của đồng ruộng và khu dân cư thì chậm lại, còn khoảng 2-3m/giây, nhưng vẫn quá nhanh và rộng, nên ngay cả một số người dân phát hiện ra cũng không chạy kịp đến nơi an toàn.

"Thảm hoạ Làng Nủ xảy ra vào thời điểm khoảng 6 giờ sáng. Khối lượng đất đá và nước khổng lồ, lên tới 1,6 triệu m3 đã ập xuống ngôi làng nhỏ với 37 hộ dân” – PGS Lân trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu.

Qua sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, nhóm nghiên cứu xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5-6 phút (300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng...

Còn tiềm ẩn nhiều Làng Nủ

Tại hội thảo, GS TS Đỗ Minh Đức và nhóm nghiên cứu bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết ở các tỉnh miền núi Việt Nam, những khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự như Làng Nủ là không ít.

Thảm họa Làng Nủ diễn ra rất nhanh, nhưng quá trình tích lũy trước đó thường dài, mà bắt đầu là một số khe nứt. Khe nứt chưa dẫn đến sạt lở ngay, thậm chí các hoạt động trên đất dốc có thể xóa nhòa dấu vết của khe nứt như vậy. Nhưng một khi đã xuất hiện khe nứt, mái dốc sẽ không thể tự “liền lại” được nữa và nguy cơ trượt lở luôn tiềm ẩn.

Quang cảnh hội thảo khoa học: Thảm hoạ Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh.

Quang cảnh hội thảo khoa học: Thảm hoạ Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh.

GS Đức nhấn mạnh mưa lớn, kéo dài là yếu tố chủ yếu kích hoạt trượt lở. Do vậy, các hệ thống quan trắc mưa hiện tại cần có mật độ cao hơn, phát hiện sớm mưa lớn cực đoan. Cần có các hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc; nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông, thông tin cảnh báo sớm. Đảm bảo chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân trong vùng bị tác động của trượt lở nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và hiểu rõ các hành động cần triển khai khi có yêu cầu.

Chuyên gia này đề nghị để phòng tránh các thảm hoạ tương tự xảy ra cần cảnh báo và hành động sớm. Cụ thể, khi rủi ro trượt lở đạt đến mức rủi ro cấp 1 theo nghị định của Chính phủ, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông lân cận các khu vực nguy cơ cao, tới rủi ro cấp 2 và cao hơn.

Cần cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao. Di chuyển dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ cơ sở xã, thôn, các tổ đội xung kích phòng tránh thiên tai, như phát hiện sớm các dấu hiệu trượt lở, lũ quét.

Chính quyền và người dân cần chú ý đến tính bất thường và cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn nhất.

Vài đề xuất từ thảm họa Làng Nủ

Trận lũ quét sáng 10-9 đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 37 hộ dân với 158 nhân khẩu. Tính đến đến ngày 27-9, số người thiệt mạng ghi nhận trong thảm hoạ trên là 58 người, hiện còn 9 người mất tích.

Theo nhóm nghiên cứu Đại học Khoa học Tự nhiên, trong trung dài hạn, cần ưu tiên đảm bảo an toàn các khu vực tập trung dân cư. Kiểm soát được tác động tiêu cực của nước mưa và nước mặt: thu thoát nước mưa, nước mặt để giảm tải tác động nhân sinh lên đất dốc, trong một số trường hợp cần có cả thoát nước ngầm.

Đồng thời cần xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện,… trong vùng có rủi ro trượt lở. Xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể các vùng đất dốc.

Nguồn: PLO

Bình luận